Với Đề án “Ngàn Cánh Hạc” và chuyện học hỏi cách thanh niên Nhật Bản rèn luyện kỹ năng sống



Mùa thu năm 2006 lần đầu tiên tôi sang Nhật và thật may mắn là tôi đã thực hiện được ước nguyện của mình không chỉ một lần mà tất cả là 2 lần được đến Hiroshima, thăm bảo tàng, tiếp xúc với nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử tháng 8/1945. Cùng năm đó, tôi lại được đến thăm Nagasaki được chiêm ngưỡng tượng đài các chiến sĩ, thăm mộ các anh hùng liệt sĩ và cảm nghiệm cuộc sống của người dân nơi đã trải qua thảm họa bom nguyên tử thứ 2, được chia sẻ những hồi ức đau thương vẫn còn hiện diện trong cuộc sống thanh bình nơi ấy.
Tôi vô cùng xúc động khi được chứng kiến những  hình ảnh tái hiện trong thảm họa và được chính những nạn nhân ở Hiroshima kể về những hồi ức lúc đó. Lòng tôi chỉ còn mỗi suy nghĩ: “quả thật là một nỗi kinh hoàng và là một bài học lịch sử mà nhân loại không được phép quên”. Buổi chiều hôm ấy tôi đứng trước đài tưởng niệm của Sadako…nhìn những cánh hạc được xếp thành vòng hoa rất đẹp nơi đây, lòng bồi hồi ngập tràn những câu hỏi về “chiến tranh & hòa bình”
Rồi như là một cơ duyên, qua quá trình tham gia các hoạt động thiện nguyện ở Nhật tôi về nước và tiếp tục tham gia khởi xưởng một số chương trình hoạt động tình nguyện, phi lợi nhuận ở Việt Nam cho đến năm 2008 thì tôi được giới thiệu đến Hội hữu nghị Việt-Nhật tại Tp.HCM. Tôi được gặp gỡ với các bạn bè Nhật trong phong trào vận động chống bom nguyên tử-vũ khí hạt nhân, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều thế hệ của Nhật, thấy được trong mắt họ, trong trái tim họ có một tình yêu hòa bình vĩnh cửu. Tôi tự hỏi: phải chăng chính điều đó đã cho họ sức mạnh để xây dựng một đất nước vững mạnh cho tới ngày nay? Phải chăng chính điều đó đã làm nên bản sắc và những giá trị nhân loại của Nhật bản cho tới ngày nay?
Rồi chính vào ngày 11/3/2011, sau khi tham dự buổi lễ trao “kỷ niệm chương vì hòa bình và hữu nghị của các dân tộc” của Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị cho ông Shinnichi Onaka với vai trò thông dịch viên, tôi cùng những người bạn Nhật này đã nghe tin về thảm họa động đất sóng thần ở Nhật. Sau ngày đó, dù rất lo lắng cho đất nước mình, ông Onaka vẫn tiếp tục hành trình của mình với chuyến thăm địa đạo Củ Chi. Ngày đó tôi cùng với người bạn Nhật của trường Waseda được đi tháp tùng với ông & đoàn trong đó có đại diện Hội hữu nghị Việt-Nhật, Ủy ban hòa bình Tp.HCM. Tôi đã nghe ông gửi gắm niềm hy vọng vào thế hệ trẻ Nhật bản và lời động viên là phải tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc hòa bình trong lòng bản thân và cùng liên kết rộng rãi để kiến tạo thế giới hòa bình. Xen lẫn nỗi lo lắng vô vàn cho tương lai Nhật bản, ông đã truyền niềm hy vọng và niềm tin cho chúng tôi. Lúc đó tôi đã nghĩ: mình thực sự đã hiểu được hết ý nghĩa của “hòa bình” đâu. Tôi đã được ông tặng 1 con hạc cùng với tấm hình lưu niệm biểu tượng của Hiroshima mà tôi còn giữ đến nay.
Nghĩ lại, đó chắc cũng chính là thời điểm tôi-một người  con của Việt Nam mới bắt đầu ý thức thực sự về giá trị của “hòa bình”, đó cũng là lúc tôi thấy mình may mắn biết bao…và phải chăng thời khắc hòa bình này là một cơ hội vô vàn quý cho tất cả chúng ta, nó được đánh đổi bằng sự đấu tranh dũng cảm không ngừng của bao thế hệ và nếu chúng ta thực sự muốn sống trong hòa bình, phải chăng chúng ta phải thực sự yêu quý hòa bình?

Sau khi đăng ký tham gia vào chương trình “Ngàn thanh niên thế kỷ XXI” nhằm ngày 19/4/2013 (ngày giỗ tổ Hùng Vương), tôi đã nhận được sự đồng tình và góp ý của Thầy Nguyễn Nhã cho chương trình “Ngàn cánh hạc”.
Tôi vô cùng xúc động khi được Thầy đưa ra những góp ý về phương hướng và chỉ rõ tầm quan trọng trong chuyện cần thiết phổ biến đề án rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân ở mọi miền đất nước. Một mặt, thật vui mừng khi thấy được thêm tầm quan trọng trong việc triển khai đề án này, một mặt cảm thấy phải có trách nhiệm và nỗ lực hơn với kỳ vọng mà Thầy đặt cho.
Trên tất cả là việc ý thức ra được là phải tập hợp được những người thực sự hiểu được việc học tập & rèn luyện kỹ năng sống Nhật bản, cần sự kiên trì và quyết tâm, cần học tập toàn diện và có chọn lọc trên tinh thần định hướng rõ những điều có thể làm và những điều cần góp sức cho sự nghiệp chung như Thầy Nhã đề ra. Và như thế mặc dù đề án với trọng tâm chính là “kỹ năng sống” của Nhật bản nhưng cần được sự tham chiếu và so sánh đến những kinh nghiệm của nước khác để có một “bộ lọc chuẩn” cho điểm gì cần thực sự tập trung đối với điều kiện Việt Nam hiện tại.
Với khả năng hạn hẹp và nhỏ bé của mình tôi không sao tưởng tượng có thể thực hiện được những điều tốt đẹp mà Thầy Nhã đã kỳ vọng cho mà không có sự tham gia “thực sự” của những người lãnh đạo trong từng lĩnh vực “kỹ năng sống” này.
Hơn nữa để triển khai được mục tiêu này, chắc chắn chương trình cần có  được sự tham gia và góp ý rộng rãi của các bạn trẻ, tri thức trong và ngoài nước…vv. Đặc biệt với định hướng tập trung rèn luyện kỹ năng sống thông qua các hoạt động học thuật, các hoạt động giao lưu-chia sẻ kinh nghiệm theo nhóm, và các hoạt động tư vấn, xây dựng kế hoạch thực tiễn ứng dụng kỹ năng sống đó trên nhiều lĩnh vực của mỗi thanh viên tham gia…
Theo đó, với tinh thần “Ngàn Cánh Hạc” tôi mong mỏi hàng ngàn các bạn trẻ như tôi cùng tôi chia s, tham gia Đề án này, sẽ hiểu được sức mạnh của sự kết nối & hòa bình trong tinh thần bền bỉ, độc đáo sáng tạo, trong bí quyết gây dựng điều k diệu của người Nhật bản. Cầu mong cho thông điệp này sẽ soi sáng và cho chúng ta đến gần hơn với mục tiêu chung!
Trân trọng,
Kim Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét