Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Đại học mùa hè và một chuyến đi đua với bão…


Cùng với những chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe từ Hà nội và Tp.HCM, tôi tham gia vào chuyến đi do VinaSpa tổ chức từ ngày 4~11/7/2014 với vai trò người phiên dịch, trợ lý trưởng đoàn.
Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, chuyến đi vẫn chứa đầy những yếu tố bất ngờ…để lại những bài học và kỷ niệm sâu sắc ở đất nước mặt trời mọc mà tôi cảm thấy có những điều vượt quá sức lý giải của cá nhân tôi, cũng như có những điều tôi được chỉ bảo là cần chia sẻ…


Figure 1 Buổi lễ tốt nghiệp Đại học mùa hè lần thứ 52

Đầu tiên là chuyến đi đến Atami- nơi diễn ra Đại học mùa hè do Hiệp hội Shiatsu Nhật bản tổ chức hàng năm nhằm tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những bí quyết học thuật dành cho tất cả những người trong lĩnh vực này từ các nhà nghiên cứu, các đạo sư Shiatsu đến các sinh viên thính giảng…vv. Đặc biệt đề tài năm nay nhằm vào một vấn đề đương đại tại Nhật “sức khỏe cho người già~cách phòng ngừa hội chứng thoái hóa” Lịch học dày đặc nên đoàn hầu như không có một chút thời gian nào để tham quan xung quanh, dù đây là một thị trấn có những đặc trưng văn hóa nổi bật với viện bảo tàng Moe và nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng…Nhưng có một may mắn là buổi đêm trên đường chuyền đồ về khách sạn, chúng tôi được dịp nghe một màn đánh trống tập cho chương trình lễ hội truyền thống của thị trấn trước sự chứng kiến đông đảo những người dân trong vùng, các bạn trẻ thiếu nhi cùng tập đánh trống thật đều đến tận khuya…không gian nghệ thuật và cách văn hóa truyền thống được đưa vào sinh hoạt giáo dục thật đáng ngưỡng mộ…
Một lần nữa tôi lại nhớ: cách truyền giữ văn hóa bản địa và những giá trị văn hóa vẫn thấm đẫm ở đất nước Phù tang này!
Sau những ngày học với cường độ cao, Hiệp hội tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và kết thúc bằng bài hát truyền thống của Hiệp hội.
Đoàn Việt Nam cũng có dịp giới thiệu 2 bài hát cùng giao lưu: Diễm Xưa và Nối vòng tay lớn”

Figure 2  Màn biểu diễn của đoàn Việt Nam
Kết thúc những ngày ở Atami, đoàn chúng tôi theo lịch bay về Tokyo để tham quan hệ thống thư giãn và làm đẹp với quy mô hơn 1200 cơ sở ở khắp Nhật, được chứng kiến cách làm việc thật bài bản và quy cách vô cùng trong một lĩnh vực được xem còn nhiều hạn chế và nhạy cảm ở Việt Nam.
Một điều bất ngờ là được dịp gặp lại Cô Yamaguchi (Chủ tịch Quỹ giao lưu quốc tế Shizuoka) và tặng Cô chút quà từ Việt Nam, được Cô gửi gắm những kỳ vọng về hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật của hai nước Nhật-Việt hơn nữa.

Figure 3 Gặp gỡ Cô Yamaguchi
Chuyến đi lần này chúng tôi lại được đến Nagasaki ngoài chương trình tham quan và giao lưu với trường Koyogakuen, chúng tôi được đến tham quan Công viên Hòa Bình và Bảo tàng bom Nguyên tử Nagasaki, một lần nữa được nhìn ngắm thành phố có lịch sử giao thương và tôn giáo nổi tiếng Nhật bản, cũng là một thành phố anh-em có quan hệ lâu đời với Việt Nam từ thế kỷ 15~16.
Cơn bão số 8 đổ bộ lên Okinawa và quét qua sườn Tây Nam Nhật ở khu vực Kyushu làm hệ thống giao thông phải ngừng trệ và các cơ quan công cộng phải đóng cửa để tránh bão, mọi người dân ở đây có tinh thần cảnh giác thật cao độ. Rất may cho đoàn là trời quang đãng lúc đến Nagasaki không lỡ dịp thăm viếng thành phố cho những người khách phương xa lặn lội tới nơi đây…
Cả đoàn chúng tôi đã có dịp đặt chân lên mảnh đất mà vào lúc 11:02 am, 9/8/1945 quả bom Nguyên tử (Little boy) đã được thả xuống nơi đây gây ra sự thương vong của hơn 150.000 người (tổng số 240.000 dân lúc bấy giờ) và vô vàn những hệ lụy bệnh tật quái ác cho những thế hệ sau đó, chúng tôi được ngắm những cánh hạc được kết suốt lối dẫn đường vào tham quan bảo tàng để cầu nguyện cho hòa bình…và hơn bao giờ hết chúng tôi nhớ đến quê hương Việt Nam, đến những cuộc chiến tranh và hậu quả của nó…đến tình hình gay go hiện ở biển Đông, nhớ đến những trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện tại cần chung vai gánh vác, nhớ tới những thách thức cho thế hệ tương lai…

4 Những cánh hạc với lời cầu nguyện được trưng bày ở bảo tàng
Chuyến bay rời thành phố Nagasaki trễ độ 5 phút vì bão, cô phát thanh viên Nhật xin lỗi đi xin lỗi lại về chuyện chậm trễ này…người bạn trong đoàn tôi hỏi: “cái văn hóa xin lỗi và cám ơn này như ngấm vào máu họ hay sao vậy?” Vâng, chắc chắn hai câu cửa miệng “xin lỗi” và “cám ơn” là hai từ quan trọng hàng đầu ta phải học trước khi tới đất nước này rồi.
Trở về Tokyo để đón chuyến bay về Việt Nam chúng tôi mỗi người một cảm nghĩ…chẳng phải chỉ vì cơn bão số 8 đang khiến cho những chuyến bay phải tạm hoãn, chẳng phải chỉ vì nghe tin những chiến sĩ đã tử nạn do máy bay rơi lúc làm nhiệm vụ huấn luyện ở quê nhà…ai nấy vừa phấn khởi, vừa nặng lòng về những nhiệm vụ trước mắt sau những gì đã được học, được chứng kiến…Có ai nói “thật vinh quang khi chết vì tố quốc, vinh quang khi sống và chiến đấu hết mình, miệt mài trong lao động và học tập”…vậy nên tôi nhớ mãi câu nói của Cô Ánh (Giám đốc VinaSpa) lúc máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất: “giờ mới biết là mình còn sống” và tiếp theo có phải là: “phải sống sao cho đáng sống”!
(17.7.2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét