Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Đại học mùa hè và một chuyến đi đua với bão…


Cùng với những chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp và chăm sóc sức khỏe từ Hà nội và Tp.HCM, tôi tham gia vào chuyến đi do VinaSpa tổ chức từ ngày 4~11/7/2014 với vai trò người phiên dịch, trợ lý trưởng đoàn.
Dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, chuyến đi vẫn chứa đầy những yếu tố bất ngờ…để lại những bài học và kỷ niệm sâu sắc ở đất nước mặt trời mọc mà tôi cảm thấy có những điều vượt quá sức lý giải của cá nhân tôi, cũng như có những điều tôi được chỉ bảo là cần chia sẻ…


Figure 1 Buổi lễ tốt nghiệp Đại học mùa hè lần thứ 52

Đầu tiên là chuyến đi đến Atami- nơi diễn ra Đại học mùa hè do Hiệp hội Shiatsu Nhật bản tổ chức hàng năm nhằm tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những bí quyết học thuật dành cho tất cả những người trong lĩnh vực này từ các nhà nghiên cứu, các đạo sư Shiatsu đến các sinh viên thính giảng…vv. Đặc biệt đề tài năm nay nhằm vào một vấn đề đương đại tại Nhật “sức khỏe cho người già~cách phòng ngừa hội chứng thoái hóa” Lịch học dày đặc nên đoàn hầu như không có một chút thời gian nào để tham quan xung quanh, dù đây là một thị trấn có những đặc trưng văn hóa nổi bật với viện bảo tàng Moe và nổi tiếng về du lịch nghỉ dưỡng…Nhưng có một may mắn là buổi đêm trên đường chuyền đồ về khách sạn, chúng tôi được dịp nghe một màn đánh trống tập cho chương trình lễ hội truyền thống của thị trấn trước sự chứng kiến đông đảo những người dân trong vùng, các bạn trẻ thiếu nhi cùng tập đánh trống thật đều đến tận khuya…không gian nghệ thuật và cách văn hóa truyền thống được đưa vào sinh hoạt giáo dục thật đáng ngưỡng mộ…
Một lần nữa tôi lại nhớ: cách truyền giữ văn hóa bản địa và những giá trị văn hóa vẫn thấm đẫm ở đất nước Phù tang này!
Sau những ngày học với cường độ cao, Hiệp hội tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ và kết thúc bằng bài hát truyền thống của Hiệp hội.
Đoàn Việt Nam cũng có dịp giới thiệu 2 bài hát cùng giao lưu: Diễm Xưa và Nối vòng tay lớn”

Figure 2  Màn biểu diễn của đoàn Việt Nam
Kết thúc những ngày ở Atami, đoàn chúng tôi theo lịch bay về Tokyo để tham quan hệ thống thư giãn và làm đẹp với quy mô hơn 1200 cơ sở ở khắp Nhật, được chứng kiến cách làm việc thật bài bản và quy cách vô cùng trong một lĩnh vực được xem còn nhiều hạn chế và nhạy cảm ở Việt Nam.
Một điều bất ngờ là được dịp gặp lại Cô Yamaguchi (Chủ tịch Quỹ giao lưu quốc tế Shizuoka) và tặng Cô chút quà từ Việt Nam, được Cô gửi gắm những kỳ vọng về hoạt động giao lưu văn hóa-nghệ thuật của hai nước Nhật-Việt hơn nữa.

Figure 3 Gặp gỡ Cô Yamaguchi
Chuyến đi lần này chúng tôi lại được đến Nagasaki ngoài chương trình tham quan và giao lưu với trường Koyogakuen, chúng tôi được đến tham quan Công viên Hòa Bình và Bảo tàng bom Nguyên tử Nagasaki, một lần nữa được nhìn ngắm thành phố có lịch sử giao thương và tôn giáo nổi tiếng Nhật bản, cũng là một thành phố anh-em có quan hệ lâu đời với Việt Nam từ thế kỷ 15~16.
Cơn bão số 8 đổ bộ lên Okinawa và quét qua sườn Tây Nam Nhật ở khu vực Kyushu làm hệ thống giao thông phải ngừng trệ và các cơ quan công cộng phải đóng cửa để tránh bão, mọi người dân ở đây có tinh thần cảnh giác thật cao độ. Rất may cho đoàn là trời quang đãng lúc đến Nagasaki không lỡ dịp thăm viếng thành phố cho những người khách phương xa lặn lội tới nơi đây…
Cả đoàn chúng tôi đã có dịp đặt chân lên mảnh đất mà vào lúc 11:02 am, 9/8/1945 quả bom Nguyên tử (Little boy) đã được thả xuống nơi đây gây ra sự thương vong của hơn 150.000 người (tổng số 240.000 dân lúc bấy giờ) và vô vàn những hệ lụy bệnh tật quái ác cho những thế hệ sau đó, chúng tôi được ngắm những cánh hạc được kết suốt lối dẫn đường vào tham quan bảo tàng để cầu nguyện cho hòa bình…và hơn bao giờ hết chúng tôi nhớ đến quê hương Việt Nam, đến những cuộc chiến tranh và hậu quả của nó…đến tình hình gay go hiện ở biển Đông, nhớ đến những trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện tại cần chung vai gánh vác, nhớ tới những thách thức cho thế hệ tương lai…

4 Những cánh hạc với lời cầu nguyện được trưng bày ở bảo tàng
Chuyến bay rời thành phố Nagasaki trễ độ 5 phút vì bão, cô phát thanh viên Nhật xin lỗi đi xin lỗi lại về chuyện chậm trễ này…người bạn trong đoàn tôi hỏi: “cái văn hóa xin lỗi và cám ơn này như ngấm vào máu họ hay sao vậy?” Vâng, chắc chắn hai câu cửa miệng “xin lỗi” và “cám ơn” là hai từ quan trọng hàng đầu ta phải học trước khi tới đất nước này rồi.
Trở về Tokyo để đón chuyến bay về Việt Nam chúng tôi mỗi người một cảm nghĩ…chẳng phải chỉ vì cơn bão số 8 đang khiến cho những chuyến bay phải tạm hoãn, chẳng phải chỉ vì nghe tin những chiến sĩ đã tử nạn do máy bay rơi lúc làm nhiệm vụ huấn luyện ở quê nhà…ai nấy vừa phấn khởi, vừa nặng lòng về những nhiệm vụ trước mắt sau những gì đã được học, được chứng kiến…Có ai nói “thật vinh quang khi chết vì tố quốc, vinh quang khi sống và chiến đấu hết mình, miệt mài trong lao động và học tập”…vậy nên tôi nhớ mãi câu nói của Cô Ánh (Giám đốc VinaSpa) lúc máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất: “giờ mới biết là mình còn sống” và tiếp theo có phải là: “phải sống sao cho đáng sống”!
(17.7.2014)

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

VỀ MỘT CHUYẾN ĐI TỚI NHẬT BẢN

Tôi được tham gia chuyến công tác cùng với cô Ngọc Anh (Tổng giám đốc VinaSpa) nhân dịp kỷ niệm thành lập trường Namikoshi Shiatsu mới và cùng Cô đến thăm và học hỏi với các đơn vị kinh doanh và giáo dục trong lĩnh vực này tại Nhật từ ngày 26/9~6/10/2013 qua các thành phố Tokyo-Yokohama-Nagasaki-Hiroshima... Chuyến đi ngắn ngày nhưng đọng lại nhiều cảm nhận và bài học… Có lẽ chuyến đi này thực sự lòng tôi xốn xang vì ngay thời điểm sang đó khí hậu Nhật bản từ ấm áp chuyển nhanh sang se lạnh vì cơn bão, Việt Nam cũng đón bão ở miền Trung, thời điểm công chiếu bộ phim truyền hình “người cộng sự” ở cả hai nước, Chính phủ Mỹ đóng cửa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời…thật là trùng hợp với nhiều sự kiện đáng nhớ đây đó…Vậy, rồi được sự động viên của Thầy Cô và cộng sự, tôi tranh thủ ghi lại vài dòng để chia sẻ với những người thân, bạn bè…
Vừa bước xuống phi trường Narita, tôi đã cảm nhận một không khí rất trật tự và lịch sự…quen thuộc như bao lần ở Nhật. Hệ thống giao thông ở đây được trang bị đến tận răng, người phục vụ làm việc hết sức nguyên tắc. Hành lý của cô Giám đốc khá nhiều, vì lo an toàn, người hướng dẫn đã tỉ mỉ dành thời gian và hỗ trợ cho chúng tôi xuống thang máy.
Bỗng dưng, trong một xã hội trật tự và mọi thứ thật gọn gàng này, vừa có cảm giác thoải mái, vừa tự thấy cần thật thận trọng để khỏi phải bị xấu hổ. Có một điều chắc chắn nơi đây, nếu bạn không hiểu luật, không có tự trang bị phương tiện cá nhân, không tự lập, tự nhận thức các quy chuẩn xã hội bạn sẽ làm phiền cả một cộng đồng và hệ thống…sẽ không có lời trách mắng hay trừng phạt dành cho bạn, nhưng bạn sẽ bị cô lập, và cô độc khi nhận ra…ở đây không có sự khoan dung hay nhượng bộ, không có sự van nài xin- cho. Mỗi người tự hiểu luật, tuân thủ luật và thực thi cuộc sống của mình…có vẻ lạnh lùng…nhưng điều đó đảm bảo cho một guồng máy công nghiệp và dịch vụ vận hành trơn tru, và đó có thể gọi là “văn minh” chăng? Trong lòng tôi lại nhớ tới không khí xởi lởi và bốc đồng thân quen ở Việt Nam…
Đến chuyện đi xe taxi cũng thực sự là một điều đáng nhớ bởi tôi thấy rõ thái độ phục vụ nhã nhặn lịch thiệp không than phiền vào đâu được dường như đã được“định chuẩn” và người lái taxi có ý thức rất rõ về từng từ ngữ anh ta giao tiếp, không dư, không thiếu một chỗ nào. Vâng đó có được từ “sự mưu cầu dịch vụ hoàn hảo” của người dân nơi đây chăng? Tôi thầm nghĩ vừa so sánh vừa liên tưởng…khỏi nói đến chiếc taxi bóng loáng đời mới chạy bằng năng lượng sạch, mà đến ngay cả cách phục vụ này…hẳn cách biệt lắm lắm với ở Việt Nam. Tôi chạnh lòng thấy “đi một ngày đàng học một sàng khôn”!
Tôi được ở trọ một ngôi nhà nhỏ nằm trong quận Bunkyo, chủ nhà là cán bộ của ngôi trường chúng tôi đến thăm. Khu vực này in dấu bóng dáng của nhiều danh sĩ, văn sĩ có tiếng đã chọn nơi đây định, chỗ này cũng là nơi có nhiều trường học nổi tiếng như ĐH Tokyo, ĐH Chuo các bệnh viện, cơ quan hành chính… Thái độ đón tiếp của chủ nhà thì khỏi phải nói rồi…chi tiết, tỉ mỉ quan tâm đến từng đường tơ kẻ tóc nhu cầu của bạn… Lại một lần nữa vừa hồi tưởng, tôi cũng vừa nghĩ, “cái tình” cho đi và đáp lại là cực thế…mà người ta vẫn chịu cực, bởi người ta trọng cái tình người với nhau, qua cái lễ nghĩa, cái gương mẫu giao tiếp hẳn được truyền thụ từ bao đời nay, quả thật bảo là người Nhật kỹ tính nhất thế giới về khoản “lễ” này cũng không sai… Trong lòng tôi, tự dưng hồi tưởng rồi lại băn khoăn: họ chẳng căng thẳng về điều này, đây có phải vì thói quen? Nhưng sự nhiệt tình và chu đáo được rèn luyện đến mức thành một thói quen như thế này thì mới ra được xã hội có trật tự và được quy hoạch kỹ lưỡng đến thế, rồi tôi cũng tự hỏi: phải chăng người Việt Nam rất dở về khoản chịu đựng căng thẳng này chăng? Bản thân tôi cũng nào có hơn, phải học suốt cả 10 năm qua mà…lại nghĩ: phải chăng nền văn minh nào cũng có cái giá của nó? và họ thì chịu kiên trì vì điều đó đến này nên mới xây dựng ra một xã hội thế này chứ? Ở đây, tôi nghĩ người Nhật có quyền tự hào: họ có thể được xếp vào dân tộc siêng năng nhất thế giới nhưng xã hội cùng tràn đầy những quy tắc nhất.
Bước ra ngoài đường phố nơi đây thấy mọi người thong thả, nhưng trật tự, dường như ai nấy đều biết “ứng xử công cộng”, có một không gian trống đặc biệt giữa người với người cho sự tự lập, đó cũng là một không gian rất đỗi riêng tư mà mỗi người tự đặt ra, và đối phương phải tôn trọng…vậy nên mới có những buổi lễ, những nghi thức…mà thông qua đó, người ta đến gần hơn và hiểu nhau qua cái lễ để làm nên trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo…vv
Tôi vẫn thích sự thân mật, nhiệt tình và hết sức chân thành của người Việt Nam và chính chúng ta đã làm nên bao kỳ tích về điều này trong ngoại giao, trong đấu tranh và lao động đó sao? Nhưng sắp tới đây, với thách thức thời đại và sự giao lưu quốc tế rộng rãi, cái không gian văn hóa riêng tư nếu không được nhận thức và trân trọng trên ý thức văn hóa dân tộc, về “phát triển cộng đồng” và cái gọi là “tính toàn cầu”…ta sẽ đi về đâu?
Tôi vừa bước vội qua các cửa hàng tiện ích đã phát triển khắp nước thành một hệ thống với các thương hiệu như Family mart, Seven Eleven..vv, vừa cảm nhận cái se lạnh thu về và nhịp điệu của những chuyến xe lửa đang băng đều đặn trước mặt, vừa nghĩ về cái gọi là “xã hội vật chất”, cái mà chúng ta chẳng thể chối từ ở thế giới này, đang được bày đặt với tất cả sự phức tạp và hiện đại của nó, tại nơi đây một trong những thành phố hiện đại của thế giới loài người…Có lẽ tại đây bản sắc cá nhân và tính nổi trội đã nhường chỗ cho sự đồng hóa cao của nền kinh tế tiêu dùng và sự đồng bộ về cơ sở vật chất…vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng lịch sử văn hóa từ những khu đền chùa, khu công viên được dành trang trọng và kính ngưỡng qua hàng trăm năm. Tự hỏi:  sắp tơi đây người Việt Nam chúng ta có gì đế mất? và chúng ta có gì cần bảo tồn?
Ngày thứ hai ở Tokyo, tiết trời hơi se lạnh, tôi vẫn ngạc nhiên bởi sự tĩnh lặng ở đây: không tiếng còi xe in ỏi, không tiếng người réo í ới…tất cả thật trật tự và ổn định. Chắc chắn một phần của bởi sự khác biệt rất rõ về số người già ở đây chiếm gấp hơn 3 lần so với Việt Nam trong cơ cấu dân số…Có nhiều điều cần chuẩn bị cho một xã hội già hóa, tại đây, hệ thống phúc lợi và giáo dục đang thực sự đối mặt với thử thách và được truyền thông bàn luận hàng ngày. Tôi biết lợi thế của Việt Nam, và tôi không khỏi cảm giác đau đáu ngày nào về sự quan trọng của một thế hệ xây dựng hiện tại, chúng ta đang có gì nào? “phải chăng là thời gian” Ôi thời gian: có cả hai chiều đấy bạn ạ, và bạn phải luôn chọn “tiến hay lùi”…ở đây, tôi bị kẹt lại với dòng suy nghĩ, vì tôi thấy lòng đang xúc động, mà tâm tư lại hướng về Việt Nam.
Một điều rõ ràng mà tôi có thể xác tín đó chính là xã hội này phát triển bởi sự đề cao những nguyên lý đạo đức và văn hóa, đã hình thành nên nền văn minh đương đại bạn có thể thấy ở khắp nơi. Những chuẩn mực coi trọng giá trị danh dự và mỹ cảm được đề cao tuyệt đối…qua quá trình lịch sử mà bạn có thể bắt gặp ở mỗi di tích, mỗi biểu ngữ, mỗi lời chú mục ở các nơi công cộng. Không có thói quen ăn cắp vặt hay lợi dụng tài sản công là một điều rõ ràng tại đây…Sự thoải mái và an toàn ở nơi công cộng giúp bạn tập trung vào những hoạt động tri óc và tinh thần là một thuận lợi vô hình đã trở thành thứ tài sản mà tôi nghĩ chúng ta khó lòng mà theo kịp nhất nếu không có sự quyết tâm cao độ, và phải chăng đây là “kim chỉ nam” trước những cuộc chuyển biến về văn hóa và văn minh tại xứ sở này.
Một điều may mắn là trong khoảng thời gian ngắn ngủi trú ngụ nơi đây, tôi có dịp thưởng thức những món ăn đặc trưng từ người chủ nhà hiếu khách cũng như được dẫn đi ăn ngoài phố. Quả thật dịch vụ ở Nhật thì chẳng có gì chê được, vẫn băn khoăn một điều: họ sạch sẽ quá như vậy, hẳn là người Nhật sẽ khó sống ở nước ngoài rồi, vì tôi nghĩ chẳng nơi nào trọng sự sạch sẽ hơn ở đây. Nói đúng hơn: sự “tinh khiết” đã được đưa lên “tầm tôn giáo”. Tất cả người dân Nhật bản đều phát triển dưới suối nguồn này và họ có một niềm tự hào mạnh mẽ về cũng vì điều này. Tôi không chắc ở Việt Nam chúng ta có làm được hay không, nhưng  tin rằng đây là một nhu cầu mạnh mẽ của con người thì hẳn “lợi ích” của việc sạch sẽ cần được ngẫm nghĩ nghiêm túc lại. Một ví dụ dễ thấy nhất là: những quốc gia phát triển, đều chuộng sự sạch sẽ…mà ta làm dơ thì dễ, sạch thì khó, khó nhiều nhiều lắm đây…
Ba ngày tiếp theo tôi vừa chạy theo lịch công tác, vừa có cơ hội để ngắm nhìn thành phố Tokyo từ tòa nhà Skytree mới vừa hoàn thành tháng 5 năm ngoái, quả thật…một nền văn minh chỉ có thể duy trì và phát triển khi những người văn minh hiểu được giá trị và những nguy cơ tiềm ẩn từ nó…bạn biết đó, đứng ở độ cao này, và đối mặt với nỗi lo sợ khi tưởng tượng rằng bạn sẽ rơi xuống dưới, hẳn bạn thấy rõ những bậc thang mà nhân loại đã tiến lên và về trình độ xử lý với tốc độ và công nghệ nơi đây thật đáng khâm phục.
Tokyo Skytree
Tôi bùi ngùi nghĩ: chúng ta muốn phát triển đất nước như thế nào, phụ thuộc vào chỗ chúng ta có biết đón đầu những thử thách và dự trù rủi ro không, bởi xã hội mà chúng ta xây dựng, sẽ là một hệ thống những giá trị cho thế hệ mai sau học hỏi và trải nghiệm…nếu chúng ta để lại một đống rác, phải mất gấp đôi thời gian để làm lại đấy nhỉ?
Viết tới đây, trong tôi hiện lên gương mặt của bao người, ừ…có lẽ cuộc đời cho đến nay, tôi đã nghe, đã nhận để đến giây phút này có thể gom góp được bao nhiêu chữ, bao nhiêu ý nghĩ và cảm xúc…Tự thấy: tôi có viết đâu nào, khi cuộc sống vẫn đang tiếp diễn với những thử thách đón chờ …và bỗng muốn chắp tay nói lời: “cảm tạ” khi thấy mình còn đứng ở đây, còn nghĩ ra được tới đây và lại hy vọng một ngày sẽ chia sẻ những điều này với bạn bè…

---------- 

Cũng cùng ngày tôi được viếng khu phố Asakusa, một khu phố cổ từ thời Edo được bảo tồn với những ngôi chùa chiền, kiến trúc và phong cách sinh hoạt nguyên bản cho tới nay, nó gần giống như là một khu phố cổ sầm uất vậy, thật nổi bật giữa lòng thành phố Tokyo hiện đại. Đến viếng ngôi đền ở đây, đi qua khu sinh hoạt mua sắm mới thấy người Nhật hiểu rất rõ những giá trị văn hóa và cách tận dụng nó trong phát triển du lịch, và họ đã xây dựng được một nền tảng rất vững chắc cho công cuộc bảo tồn các di tích trên khắp đất nước bởi bản thân họ luôn tự tôn tự hào về nó.Dĩ nhiên không phải tất cả những người Nhật đều như vậy, nhưng tôi có thể nói gì đây: Chính phủ của họ đã bỏ tiền và có những dự án thật quy mô cho tất cả việc này, và người dân nơi đây biết cách giữ gìn và tận dụng những “giá trị văn hóa”.
Đến ngày thứ 6, tôi được vinh dự tham gia lễ khánh thành trường đào tạo Namikoshi Shiatsu mới ở Nhật. Ba điều ấn tượng nhất trong buổi lễ có thể kể ra đây là:
1)Ngôi trường ngay từ những ngày đầu tiên được sự ủng hộ của vị trụ trì trong ngôichùa lớn nhất ở vùng, và nhờ chùa cấp đất xây trường.  Bản thân người sáng lập cũng được đặt mộ ở ngôi chùa đó. Mối quan hệ gắn bó này, cùng sự cam kết đạo đức trong việc phát triển ngôi trường và được sự ủng hộ của chính quyền địa Phương được đề cao
2)Tiết mục tưởng nhớ và nêu bật ý nghĩa của sự tác thành ngôi trường là một câu chuyện của diễn giả về chính cuốc đời ông  trải qua vô vàn nỗ lực, vươn lên từ thất bại từ chuyện học “thổi lá” với người cha
3)Có một người Thụy sĩ được vinh danh bởi phát minh ra ngôi sao mới đã lấy tên ông tổ của trường để đặt “Namikoshi” thay tên bản thân.
Tôi nhận ra rõ sự thỏa mãn và vui sướng ít nhất trong khoảnh khắc ôn lại lịch sử của ngôi trường từ gương mặt trang trọng, hồ hởi của những vị khách tham dự, mỗi người tỏ ra thật tự hào khi cùng hát bài ca truyền thống của trường trong giây phút cuối. Rõ rồi, lòng tự hào, sự cảm tạ và ý thức cống hiến, vượt khó, sáng tạo phải chăng là thông điệp mà họ cố gắng gầy dựng trong tập thể- một nhóm người sẽ cùng nỗ lực để đưa ngôi trường mới tiếp nối ý nguyện của người sáng lập?
Trường Namikoshi mới

Cũng cùng ngày 29/9, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật, Đài truyền hình TBS phát sóng bộ phim “người cộng sự”, không kịp theo dõi đến cùng…tôi hỏi người ở nhà trọ, cô rất phấn khởi kể rành rọt về bộ phim vừa xem, vừa trao đổi những chi tiết lịch sử có thật đương thời. Một lần nữa thấy được mối quan hệ hữu nghị và nỗ lực hiểu biết của cả hai quốc gia thật đã đến cao trào. Một mặt vừa tự hào, một mặt vừa tự hỏi: điều này có được là do sự tiên phong của bao người đi trước, trong đó có cụ Phan Bội Châu…còn chúng ta, ắt hẳn cũng có trách nhiệm với sự tận hưởng thành quả này chứ? ừ, chính bản thân mình phải cố gắng làm tốt những điều nhỏ, bằng sự trung thực, tận tụy và cảm tạ nữa.
Những ngày sau đó, tôi có cơ hội cùng với Cô giám đốc đi thăm một số ngôi trường và cơ sở huấn luyện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và làm đẹp ở thành phố Nagasaki, một lần nữa cảm nhận được sự hiếu khách và chu đáo của những con người ở đây…lại được diện kiến thầy hiệu trưởng của trường Koyo Gakuen trong giờ cuối cuộc hành trình, dù sức khỏe yếu do tuổi đã cao Thầy vẫn kiên trì lắng nghe và hỏi thăm đoàn khách viếng trường. Ông còn kết thúc bằng thành ý: sẵn sàng hợp tác, đồng thời tự nhận: Nhật bản cần sự năng động, chính sự vượt khó và chăm học của những sinh viên quốc tế sẽ lại làm tăng động lực của sinh viên trường đấy chứ?
Đây là một trường đào tạo nghề có uy tín cao và phức hợp nhiều khóa học về sức khỏe và làm đẹp. Trường còn có một thư viện sẵn sàng mở cửa để phục vụ miễn phí cho dân địa phương trong vùng,.Với bề dày lịch sử gần 90 năm, có cơ sở vật chất mà cô Giám đốc cùng đi với tôi nhận định là ở Việt Nam thì phải hơn 30 năm cật lực cố gắng nữa chẳng biết theo kịp nổi không” , được tận tình hướng dẫn với một thái độ hết sức nghiêm túc và khiêm cung của các giảng viên ở đây…một kết luận là: phải ra sức học tập họ mà thôi! Nhìn những bàn ghế và vật dụng mới tinh tươm, tôi hỏi những học viên ở đây thì mới biết đã được sử dụng qua nhiều năm rồi… lòng thầm nghĩ: để được như vầy, ắt hẳn các học viên rất biết trân trọng và tuân thủ kỷ luật cao độ, tự so sánh, thấy bản thân còn nhiều điều hổ thẹn đáng học quá.
Ngày cuối cùng ở Nhật tôi được đến thăm một ngôi làng ở thị trấn Onomichi, Hiroshima nơi người dân sống bằng nông nghiệp là chính, cách xa phố thị và được trò chuyện với cụ bà ở đây (cũng là người thân của cô Giám đốc), đúng lúc xem tivi phát tin đại tướng “Võ Nguyên Giáp” qua đời. Tôi hỏi cụ có biết người này không? Cụ bảo không biết và chăm chú nghe tin tức…Bỗng dưng thấy khoảng cách giữa Việt Nam- Nhật bản thật gần, bỗng dưng cảm rất rõ: bởi khi là một người Việt thì chúng ta cần phải hiểu, nhận diện rõ Việt Nam, nhận rõ bản sắc chính mình đến thế nào mới có thể tồn tại và chung sống với những người nước khác.
Xã hội Nhật bản đang già hóa, thiếu nguồn lao động trẻ và vẫn đang đối mặt với tàn dư của thảm họa động đất, sóng thần, rò rỉ hạt nhân từ năm 2011, đang vận động cải cách chính sách xã hội-kinh tế ở nhiều lĩnh vực, còn chúng ta, một đất nước đang trên đà phát triển với nhiều thời cơ và thử thách hẳn cần nhiều bài học từ người láng giềng mà tôi nghĩ xứng là “đàn anh” trong khu vực này nhưng mà học làm sao? ứng dụng thế nào? hợp tác, mở rộng cải tiến ra sao đây?
Cũng vào buổi tối đó, khi chúng tôi đang ngồi dùng bữa tối và xem ti vi thì được mục kích cảnh vị trưởng đại diện Ngân hàng Mizuho cuối đầu xin lỗi về sự vụ cho nhóm bạo lực vay tiền trên truyền hình. Chuyện này chuyện nọ hẳn xảy ra khắp nơi rồi, nhưng nhìn ông đại diện cuối rạp đầu trước ống kính của đài truyền hình tôi nhớ lại “văn hóa xin lỗi” mà cô tôi (cô Thu Hương- Trường ĐHKHXH&NV)  đã để từng chỉ ra cho chúng tôi về sự khác biệt giữa hai nước. Quả thật dám nhận lỗi trước công chúng là điều tiên quyết và là tiêu chuẩn đạo đức ở đây, thầm nghĩ: đối diện với sự thật” là con đường nhanh nhất để giải quyết mọi vấn đề, dám nhận lỗi là cách duy nhất để sửa lỗi”…chẳng phải là điều mà mỗi người chúng ta cần cố gắng sao, cần được trân trọng sao…chớ đừng nói đến vị đại diện trọng trách kia.
Nguồn: Asahi Shimbun
Tôi lại nhớ một trong số những người Thầy đáng kính mà tôi được gặp đã nhắn nhủ như vầy: Chúng ta hoàn toàn có khả năng và điều kiện để học…giới trẻ là những người sẽ cần phải tự chủ, nổ lực, vạch ra hướng đi của đời mình, là những người đóng góp vào việc đưa đất nước chuyến mình trong thế kỷ 21 này…và sau sau nữa từ những gì chúng ta làm ngày nay cho con cháu…
Bản thân tôi không dám nói tới yêu nước, cống hiến, đấu tranh…vv nhưng tôi nghĩ đơn giản bạn có trách nhiệm với nguồn cội, với gia đình, với cái gọi là quê hương thì hẳn cũng là “trách nhiệm với chính mình” rồi, phải chăng? Người ta nói sợ “trách nhiệm” nhưng nếu không nhận “trách nhiệm” chắc mãi bản thân làm gì có quyền đòi hỏi gì thêm từ người khác hay xã hội, làm gì có cái gọi là “trưởng thành”? Ôi viết tới đây là dài dòng quá rồi…còn biết bao nhiêu điều có thể phân tích ra, nhưng thôi…ắt mong cái chữ của mình sẽ thay cái tình để còn sống thì hẳn còn cơ hội viết hay chia sẻ tiếp.
Tôi xuất thân từ gia đình lao động bình dân, có được cơ hội đi đây đó là một ước mơ và cả một chặng đường nỗ lực từ thời niên thiếu, nhưng sức mỏng, tầm nhìn hạn hẹp sống ngót mấy chục năm vẫn chưa làm ra được cái gì gọi là dấu ấn cá nhân bền vững, mới dừng là ở trải nghiệm, chia sẻ và vẫn mong tìm được những người bạn đồng hành cho những công chuyện sắp tới, và cùng nhau chúng ta có thể trưởng thành và phát triển kịp nhịp với thời đại!
Chuyến đi lần thứ nhất là đi du học ở Waseda, lần thứ hai là vì hoạt động thiện nguyện Coupii, với chuyến đi đến Nhật lần thứ ba này- cũng là chuyến đi mà tôi có dịp hồi tưởng lại suốt cả chặng đường sống kiểm nghiệm và trải nghiệm thực tế từ một quốc gia mà tôi đã gắn duyên trong học tập và làm việc suốt cả một quãng đời niên thiếu…tự ngẫm: chỉ sợ cái lòng của mình không đủ chứa những tài nguyên vật chất và tinh thần trên cõi này, con mắt của mình không đủ sáng mới không nhìn rõ hiện thực thời cuộc, cái chân mình không dám bước mới không ra nổi cái ao nhà, tay không chăm chỉ lao động mới không biết nhiệt lượng cuộc sống…và bộ não không chịu thức tỉnh song hành với trái tim, thì không thể sống đầy đủ, hoàn thiện như một con người cho xứng với cơ hội được sinh ra và sống trên đời này.
Cám ơn Thầy Cô, đàn anh, đàn chị, bạn bè đã dẫn dắt và sẻ chia, đã động viên để tôi kịp ghi ra nhật ký chuyến đi lần này!
8/10/2013, Tp.HCM
(Hiệu chỉnh 20/11/2013 )